[Review] Truyện thiên táng – Tình ca mãnh liệt về tình yêu, về sức sống khi chỉ sống được thôi cũng là chiến thắng rồi

Truyện thiên táng

“Núi tuyết ơi tại sao người không khóc? Trái tim người quá lạnh lùng sao?

Núi tuyết ơi tại sao người khóc? Trái tim người quá đau đớn sao?” …

18 tuổi, tôi tin tình yêu có thể khiến con người ta đau khổ, chôn vùi tuổi thanh xuân, vĩnh viễn giữ trong tim một bóng hình. 31 tuổi, tôi biết tình cảm nào rồi cũng phai nhạt, chỉ cần thời gian đủ dài, chỉ cần người ta đủ tuyệt vọng. Chả bao giờ còn chuyện sống chết vì yêu, chả còn một tình yêu có thể khiến người ta hi sinh cả đời. Thế nhưng niềm tin đó của tôi bị lung lay khi tôi đọc Thiên táng. Tình yêu của Thư Văn và Khả Quân khiến tôi rơi nước mắt mỗi lần đọc lại, lần nào cũng khóc, và lần nào tôi cũng tự hỏi nếu là tôi, tôi có dám đánh đổi gia đình, tuổi thanh xuân để tới Tây Tạng một mình tìm chồng như Thư Văn thời chiến tranh máu lửa đó không?

Cúôn sách quá ngắn, nhưng mở ra từng trang dường như tôi đang bị ném lại thời chiến tranh loạn lạc, tiếng còi tàu hú dài và tiếng động cơ bắt đầu chuyển bánh, Khả Văn của tôi bằng một niềm tin mãnh liệt của tình yêu tin rằng chồng mình chưa chết đã bỏ lại tất cả đằng sau, bất chấp mọi hiểm nguy bắt đầu bước chân vào Tây Tạng.  Phải là một tình yêu mãnh liệt, chung thủy và đau đớn tới chừng nào mới khiến một người con gái thành thị, chỉ 1 vài tháng ngắn ngủi sống bên nhau thôi mất 30 năm dài đằng đẵng đi tìm chồng? Là tôi, bảo tôi bỏ hết những tiện nghi của cuộc sống hiện đại, một mình tới Tây Tạng – một nơi cách biệt hòan tòan với thế giới bên ngoài.  Không biết ngôn ngữ, không thể giao tiếp, không hề có bất cứ một dấu hiệu hay thông tin gì để tìm chồng, sống cuộc sống du mục, nay đây mai đó. Những tiện nghi tối thiểu không có, bạn bè, gia đình, người thân không có ai, chỉ có trời xanh mây trắng, bò yaks, thảo nguyên, những con người tây tạng tôi cũng không bao giờ đủ can đảm để đi. Nhưng Thư Văn đã làm được điều đó.

Anh sẽ ở lại vĩnh viễn trên vùng cao nguyên đó, dưới trời xanh mây trắng

Bị ném vào một vùng đất đang giao tranh về văn hóa, khi Trung Quốc đang dùng vũ lực đồng hóa Tây Tạng, sự xung đột sâu sắc về sắc tộc, có thể chết bất cứ lúc nào, nhưng tôi thấy Thư Văn kiên cường và mạnh mẽ sống qua những ngày nguy hiểm đó. Trốn thoát được, may mắn được một gia đình người Tạng cưu mang, nhưng sống với gia đình này Thư Văn càng cách xa Khả Quân, càng mịt mù về việc tìm thấy Khả Quân khi cứ hết mùa này cả gia đình lại chuyển tới một vùng đất mới. Cuộc sống của họ chỉ xung quanh việc nuôi bò, vắt sữa, làm bơ, chăn thả. Tôi dường như thấy Thư Văn cô đơn đến tuyệt vọng khi không thể giao tiếp, không thể hỏi han về tin tức của Khả Quân, khi cứ lầm lũi thui thủi một mình ban ngày và ban đêm là những giọt nước mắt  cay đắng chảy dài trên má. Tôi thấy tình yêu bền bỉ của Thư Văn như một đốm lửa nhỏ nhưng cháy mãi không tắt, nỗi nhớ làm người ta đau đớn tới mức Thư Văn phải viết để thoát khỏi cám giác xé lòng và nhức nhối. Tôi xót xa khi Thư Văn phải viết vào từng ô trống của sách, rồi khi hết chỗ trống, phải viết đè lên khỏang cách giữa 2 dòng, và rồi cũng chẳng còn chỗ nào trống để viết nữa. Hóa ra chịu đựng mãi cũng thành quen, tuyệt vọng quá rồi cũng có lúc trơ như sỏi đá, khiến tâm hồn kiệt quệ. Tôi thấy cuộc đời 30 năm của Thư Văn cứ trôi qua trước mắt với những tiếng cầu nguyện Om mani padme hum, với những sự kinh hãi về những phong tục tập quán mà cô chưa từng trải qua bao giờ, với những tấm phân bò Yaks ngai ngái, với những lần vắt sữa và làm bơ, với cái chết của em bé Tạng mà Thư Văn không thể làm gì được, trơ mắt nhìn một người thân của mình qua đời ngay trước mắt.

Tôi thấy một Khả Quân anh hùng và dũng cảm khi dám tự nguyên lấy thân mình để giải quyết mối thù oán giữa 2 nền văn hóa. Vì nếu không, cả tiểu đội sẽ bị sát hại, nỗi sợ hãi và lòng hận thù sẽ còn sâu sắc tới mức nào. Chỉ vì lòng nhân từ, cứu sống một người suýt bị kền kền ăn thịt mà Khả Quân đã phải trả giá bằng cả mạng sống của mình, trả giá bằng cả cuộc sống và khiến Thư Văn một đời đau khổ. Tôi đã khóc khi Khả Quân tự bắn vào đầu mình, chắc chắn trước khi chết Khả Quân sẽ thầm thì nói lời vĩnh biệt với Thư Văn, vừa hiên ngang bình thản chờ đợi cái chết. Cái chết của Khả Quân không vô nghĩa, nó là một bài ca bi tráng và thấm đẫm tính nhân văn. Tôi thấy như ai đánh vào tim mình khi hình dung xương cốt Khả Quân bị đập nát ra trộn với bơ sữa, từng chút thân thể bị một đàn kền kền bu vào và ăn hết. Thật quá tàn nhẫn nhưng đó cũng là cách để linh hồn Khả Quân bay lên trời, tới thiên đàng như quan niệm linh thiêng tối cao của người Tây Tạng.

30  năm sau, tưởng chừng như hi vọng đã tàn từ lâu, tình yêu đã bay biến mất cùng những áng mây trắng nhưng khi gặp được một ẩn sĩ Cuờng Ba bên hồ thiêng, cầm bức thư của Khả Quân trên tay, Thư Văn đã khụy xuống. Nước mắt như nước lũ tuôn ra ào ạt xối xả, mọi sự ấm ức, tủi thân, hi vọng rồi tuyệt vọng rồi lại hi vọng, nỗi nhớ nhung, đau đớn dồn nén mấy chục năm giờ mới có thể vỡ ra tan tành từng mảnh.

Và tôi thấy khâm phục, khâm phục tự đáy lòng khi Thư Văn – lúc này là một người phụ nữ trung niên, đút tay vào túi ảo nơi cất ảnh của Khả Quân, đặt mấy ngón tay lên bức ảnh đã theo Thư Văn mấy chục năm, chia sẻ bao ngọt bùi cay đắng, chia sẻ những thay đổi lớn lao của cuộc đời, Thư Văn thầm thì ” Án mani bát mê hồng”

“Anh sẽ ở lại vĩnh viễn trên vùng cao nguyên đó, dưới trời xanh mây trắng”

Mình biết một thế giới khác mang tên Tây Tạng vẫn đang hàng ngày tồn tại…trên đầu mình. Chính xác là trên đầu vì tính từ dưới mặt đất lên 4km nữa mới có thể tới được mảnh đất này. Tibet chính là thiên đường, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài và dường như khó với tới. 3 năm qua, mình luôn nhớ, có lúc còn nhớ da diết mảnh đất này. Hôm ở Lhasa, cũng đã đọc lại Thiên Táng và cũng đã khóc. Chưa biết bao giờ mới quay lại được mảnh đất của Thư Văn, mảnh đất tình yêu số 1 của mình nhưng lần sau  hoặc sau nữa rất hi vọng mình đi được cùng chồng và bạn bé xíu để  chỉ cho hai bạn thấy khung cảnh, núi non, thảo nguyên, mây trời và cả đức tin mãnh liệt của những người dân nơi đây. Và mình tin rằng hai bạn í sẽ hiểu vì sao mình yêu mảnh đất này đến thế.

Comments are closed.