[Review] Sách Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác

Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác

Nếu mình biết đến cuốn sách này sớm hơn, ví dụ như vào những năm mình còn tuổi “teen”, thì mình đã tiết kiệm được rất rất nhiều năng lượng phí phạm vào những cơn nóng giận và những cảm xúc xấu xí không soát của mình.

Lý thuyết chiếc xe rác

David J.Pollay đã giới thiệu cho chúng ta về lý thuyết chiếc xe rác qua lời của một chú tài xế taxi rằng:

Có những người giống như “chiếc xe rác” vậy: Họ chứa trong mình đầy “rác rưởi” – sự thất vọng, tức giận và chán nản. Và tất nhiên họ phải tìm chỗ để trút bỏ mới rác rưởi đó. Nếu thấy họ trút lên bạn thì bạn đừng đón nhận. Hãy mỉm cười, vẫy chào, chúc họ vui, rồi tiếp tục công việc của mình. Cứ tin tôi đi, rồi bạn sẽ thấy hạnh phúc hơn.

Nếu so sánh con người và cảm xúc, suy nghĩ của họ với rác và xe rác, ta có thể cảm thấy bản thân mình hơi bị xúc phạm. Tất nhiên, chúng ta sẽ thừa nhận mình là nạn nhân, mình không phải xe rác và mình không hề “rác rưởi”. Nhưng đã bao giờ ta than phiền với một người về những điều mà lẽ ra họ không cần phải nghe từ ta không? Có bao giờ bạn nổi nóng và lớn tiếng cáu giận không? Có bao giờ bạn đổ lỗi cho sự xui xẻo của mình đến từ một kẻ lạ mặt trên phố mà hắn ta thậm chí còn chẳng đụng đến một cái móng tay của bạn? Ít nhất một lần chúng ta đã trải qua những điều như thế, và đương nhiên, nó là điều bình thường, ai cũng vậy, không có gì phải lên án. Tuy nhiên, có một lý thuyết khác áp dụng rất đúng trong những câu chuyện này, đó là luật hấp dẫn. Giải thích rõ luật hấp dẫn cần rất nhiều nghiên cứu nên mình sẽ không đề cập vấn đề đó ở đây, nói đơn giản, những gì bạn nghĩ trong đầu sẽ trở thành sự thật. Sự xui xẻo, nếu bạn không vui vẻ vẫy tay tạm biệt nó đi, mà cứ khăng khăng thu thập chúng, than phiền với mỗi người bạn gặp trong ngày, nó sẽ kéo đến những chuỗi xui xẻo khác. Đừng là chiếc xe rác, đừng ôm rác trong lòng. Nó sẽ kéo về nhiều rác hơn cho bạn mà thôi.

Mình cảm thấy vô cùng tội lỗi khi nhớ về cách cư xử của mình trước đây. Mình từng nóng giận. bực bội, la hét và cố đòi “công lý” cho bản thân khi cãi nhau với chị gái của mình. Trong trường hợp của mình, chị ấy là một cái xe rác với những cảm xúc tiêu cực khi vừa trải qua một cuộc li dị, và mình là kẻ yếu thế dễ dàng để “đổ” những cảm xúc ấy lên. Một đứa trẻ vị thành niên đôi khi chưa đủ khôn ngoan và chưa học được cách kiềm chế cảm xúc của mình. Mình đã biến bản thân mình thành một chiếc xe rác lớn hơn để đè bẹp chiếc xe vừa đổ lên mình thật nhiều rác ấy. Kết cục mình chẳng hề vui vẻ, dù mình có được mẹ bênh và thành kẻ thắng trận. Cảm xúc của mình đã bị tổn thương nặng nề vào lúc mình bắt đầu phản kháng lại.

Quay trở về hiện tại, sau 2 tiếng đồng hồ nghiền ngẫm cuốn sách, mình cảm thấy bao nhiêu khúc mắc trước đây được giải đáp. Mình nhận ra nhiều điều mà mình từng nghĩ là rất đỗi bình thường, như là “bán than” với cô bạn thân về những người bạn ở trọ cùng phòng, hay việc phê bình cách làm việc của những đồng đội của mình trong team là một điều biến mình trở thành một chiếc xe rác mà mình không hề hay biết. Tất nhiên, đọc xong quyển sách chúng ta chưa thể tu ngay thành chính quả và bỏ lỡ hết tất cả những niềm vui của việc ngồi lê đôi mách. Nhưng ta biết cách kiềm chế mọi thứ lại, ở một mức độ có thể chấp nhận được và xử sự khác đi. Bản thân mình không còn thấy nặng nề hay bực dọc về bạn cùng phòng của mình nữa, dù bạn cùng phòng của mình không đùng một cái thay đổi qua đêm. Mọi thứ đều có cách tích cực và hiệu quả hơn để giải thích, thay vì bực mình một câu chuyện đến đôi ba lần khi kể chúng lại và suy nghĩ về chúng mãi, hãy học cách để nó không trở thành một nỗi bận tâm trong cuộc đời của mình. Đừng vấy bẩn cuộc đời mình bởi những chiếc xe rác, và cũng đừng biến mình trở thành một trong chúng.

Những nguyên tắc nên thuộc nằm lòng

Quyển sách xinh xắn có thể bỏ vừa trong túi này có bảy cam kết và một câu thần chú sẽ khiến cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn. Đôi khi mình sẽ quên đi mất, nhất là khi mình thường không có thói quen đọc đi đọc lại một quyển sách thường xuyên, thế nên mình sẽ ghi ra đây để chúng ta dễ dàng “ôn” lại:

  1. Hãy bỏ qua những “chiếc xe rác”
  2. Đừng tự “vấy bẩn” cuộc sống của mình
  3. Đừng biến mình thành “chiếc xe rác”
  4. Giúp người khác thôi “xả rác”
  5. Cuộc sống không có “xe rác”
  6. Xây dựng một gia đình không có “xe rác”
  7. Xây dựng môi trường làm việc không có “xe rác”

Còn đây là câu thần chú, nghe có vẻ ngớ ngẩn và lâp dị, nhưng lại giúp cuộc sống của ta đơn giản hơn rất nhiều:

“Tôi không chấp nhận rác rưởi trong cuộc sống của mình

Khi gặp phải những chiếc xe rác, tôi không chịu đựng

Tôi chỉ mỉm cười, vẫy chào, chúc tốt lành và tiếp tục tiến lên

Và tôi không ném rác rưởi vào nhưng người khác

Tôi không phải là chiếc xe rác

Tôi không chấp nhận rác rưởi trong cuộc sống của mình”

Lý thuyết tương tự về bí mật chiếc xô cảm xúc

Mình đã biết đến chiếc xô cảm xúc khoảng 5 năm về trước khi nghe một đoạn audio book và ngay khi cầm quyển sách “Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác”, mình đã nhận thấy đây là hai lý thuyết tương tự. Chiếc xô cảm xúc, chính như tên gọi, đi sâu vào cảm xúc của bạn hơn. Các loại cảm xúc, chúng ta lấp đầy chiếc xô đó như thế nào và tại sao ta lại cố gắng “đổ” nó lên đầu người khác. Giống như một trò chơi, bản thân chúng ta cũng có một thanh cảm xúc vô hình, ta có những lúc cạn kiệt hạnh phúc và có những lúc quá tải niềm đau. Cũng như đôi tai, cảm xúc cũng có “ngưỡng đau”, và nếu cứ để chúng vượt quá giới hạn, ta sẽ không chịu đừng nổi nữa. Ta sẽ bị phá hủy.

Ta chỉ có một cuộc đời, một tâm hồn trú ngụ trong một thể xác. Tại sao ta không lấp đầy tâm hồn mình bằng những điều vui vẻ và hạnh phúc, bằng tình yêu và niềm tin mà đừng chấp nhận lấy những khổ đau hay tuyệt vọng đầy tiêu cực kia?

Nói về rác

Trang cuối của quyển sách đã khiến mình bật cười khi tác giả nói về những người làm việc với chiếc xe rác thật sự. Bây giờ là năm 2019, mình cảm thấy tự hào với thế hệ của mình khi mà mới ngày nào chúng mình còn phải học thuộc lòng sách giáo khoa rằng không được vứt rác bừa bãi và liên hệ bản thân là tuyên truyền gia đình, bạn bè chung tay bảo vệ môi trường. Mình không lấy túi ni lon trừ trường hợp bất đắc dĩ, mình giảm thiểu hết mức rác thải nhựa trong sinh hoạt. Mỗi lần có thời gian nấu đồ ăn sáng ở nhà, mình lại thấy nhẹ nhõm vì một chiếc hộp xốp đã được tiết kiệm lại mà không xả ra môi trường. Ống hút tre và ống hút sắt, quai vải và túi vài tote, những điều nhỏ bé mà chúng ta đang làm đã khiến cuộc sống không chỉ của ta, mà cả của hành tinh này trở nên tốt đẹp hơn đấy.

Updated 20 Mar 2019: Hôm nay mình ngồi trong một quán cafe xinh đẹp, chỗ mình ngồi là bên cạnh cửa kính hướng về phía đường. Trước cổng trường, mình thấy chiếc xe rác và nhớ tới bài viết của mình. Mình quan sát cô nhân viên phân loại rác rất lâu, phân loại ly nhựa, bìa giấy và túi nilon ra riêng biệt. Tất cả những gì tụi mình làm chỉ là cố gắng vứt rác đúng nơi quy định chứ chưa có thể phân loại rác khi vứt. Thời gian vứt rác chỉ có vài giay thôi, nhưng người phân loại rác mất rất lâu để làm điều đó, và sức khoẻ của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi làm công việc này. Dù rác ở trường được đổ mỗi ngày và chúng chưa bị phân huỷ đến mức có thể gây bệnh, nhưng với rác thải sinh hoạt ở các khu chung cư thì sao? Họ đều là những người lao động rất trẻ, họ đều là con người. Tại sao có những công việc phải đánh đổi sức khoẻ về già của mình như thế để kiếm được tiền?

Mình luôn sợ, mỗi khi mẹ mình hù rằng nếu không học giỏi sẽ phải đi hốt phân bò, đi lượm rác. Họ đã là động lực để mình cố gắng đến ngày hôm nay, và mình mong chúng mình có thể giúp đỡ được họ để họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu rác đã được phân loại, sẽ không còn công việc phân loại rác nữa. Họ sẽ không phải đánh đổi sức khoẻ của họ, và để dành sức lao động ấy cho những công việc xứng đáng hơn.

Vậy kết lại, nói không với rác rưởi theo nghĩa đen và cả nghĩa bóng, chúng mình làm được phải không?

Nguồn: kimxuannnn.wordpress.com

Comments are closed.