[Review] Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách

Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách


Thất bại là thuật ngữ Hán – Việt dùng để ám chỉ trạng thái công việc hay đơn giản hơn là một dạng hành động của chủ thể – ở đây là con người , bị “ trật  khỏi đường ray của bánh xe” kì vọng , qua đó phần nào không đáp ứng được mục tiêu ban đầu của chủ thể đặt nguyện vọng. Dù hiểu theo nghĩa nào đi chăng nữa thì thất bại cũng mang đến những ý nghĩa tiêu cực, để lại những hậu quả không mong muốn, sau cùng là có thể gây thiệt hại về vật chất và tinh thần từ nhỏ đến lớn đến với chính bản thân chúng ta.

Nhưng trong chính tác phẩm “Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách” cuốn tự truyện đầy tâm huyết viết về cuộc đời của một trong những doanh nhân kiệt xuất người Hàn Quốc- Chung Ju Yung, thất bại ở đây được đánh đồng với sự thử thách qua đó tác giả đem lại cái nhìn mới về sự thất bại hướng sự tích cực đến với mỗi độc giả.

Bắt đầu sự nghiệp với hai bàn tay trắng xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm nông nghiệp điều gì khiến ông gây dựng nên một đế chế công nghiệp có sức ảnh hưởng không chỉ đối với  “ xứ sở kim chi ” mà còn lan rộng khắp nơi trên thế giới ? Tất cả những tò mò và thắc mắc của độc giả tin chắc là sẽ có được câu trả lời xác đáng trong cuốn sách viết về cuộc đời của Chung Ju Yung người sáng lập và là cố chủ tịch của tập đoàn Huyndai. Con người của sự giản dị chân phương nhưng khát khao vươn lên và ý chí quyết tâm đã làm nên những điều phi thường.

Tác Giả

Tác giả Chung Ju Yung

Chung Ju Yung (1915 –2001) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo thuộc tỉnh Tongchon, Triều Tiên (hiện nay thuộc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, một tỉnh giáp với biên giới Hàn Quốc).Là con trưởng trong một gia đình làm nông  gồm sáu người con. Cuộc sống vất vả phải lao động từ khi ông mới lên mười – lứa tuổi mà đối với những đứa trẻ khác là tuổi ăn, chơi và học tập. Tuy không được học hành “đến nơi đến chốn” nhưng cuộc đời của ông là cả tấm gương về sự cần cù, tinh thần trách nhiệm, nghị lực vươn lên vượt qua nghịch cảnh cho nhiều người trong chúng ta noi theo. Chính từ sự trui rèn qua những thử thách, ông từng bước ghi đậm dấu ấn qua những lĩnh vực mà ông trực tiếp dấn thân. Từng bước gây dựng nên một doanh nghiệp hùng mạnh và có sức ảnh hưởng, qua đó góp phần vào việc thay đổi bộ mặt của nền kinh tế Hàn Quốc vươn lên trở thành một trong những cường quốc về kinh tế của châu Á và toàn thế giới như ngày hôm nay.

Động lực vươn lên từ những điều giản đơn trong cuộc sống

Bạn có thể sinh ra từ nghèo khó đó không phải là lỗi của bạn, nhưng nếu chết đi trong nghèo khó thì đó chắc chắn là lỗi của bạn. Ai cũng muốn được sinh ra trong giàu có điều đó đôi khi còn tùy thuộc vào số mệnh của từng con người nhưng để từ nghèo khó mà trở nên giàu có thì chắc chắn đều dựa vào thực lực của chính bạn. Chung Ju Yung khởi nghiệp từ bàn tay trắng và rồi có được thành công được mọi người công nhận như ngày nay người đàn ông ấy phải đánh đổi nhiều thứ từ sức khoẻ, thời gian bên gia đình và rất nhiều thứ khác của bản thân để vươn tới một tương lai mà ngay đối với chính bản thân người sáng lập tập đoàn Huyndai cũng chưa chắc rằng mình sẽ thành công khi khởi công thực hiện. Sự thành công của ông đôi khi không che dấu đi những nhận định cho rằng ông may mắn khi có được thành tựu trong thời điểm nền kinh tế Hàn Quốc càng non trẻ và đất nước còn rối ren về tình hình chính trị- quân sự sau đệ nhị thế chiến và đặc biệt là trước, trong và sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Nhưng thực tế đã chứng minh “ những người nỗ lực trong công việc thường quản lý tốt vận may của chính mình” ngay cả chính bản thân ông cũng có những nhận định sâu sắc về vận may trong kinh doanh.

Người lười nhác hay đổ lỗi cho số phận, đến khi gặp cơ hội cũng do lười nhác mà để cơ hội trôi qua, để rồi sống mà suốt đời chẳng có một chút may mắn nào. 

Chính từ trong gia cảnh nghèo khổ của bản thân đã thôi thúc chàng trai trẻ  Chung Ju Yung ý chí và nghị lực vươn lên.Sự ra đi từ vùng quê nghèo để tìm cơ hội đổi đời ở những “ vùng đất hứa” xa xôi của bản thân ông được chính ông ví von như hành động của loài chuột. “cùng là chuột nhưng chuột ở nhà vệ sinh thì ăn phân, còn chuột nhà kho thì ăn gạo”. Chuột trong tư duy định kiến của con người là động vật ăn tạp, sống ở nơi dơ bẩn và là mầm mống  gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Hình ảnh con chuột dùng để chỉ hạng tiểu nhân, những con người ở dưới đáy cùng xã hội. Nhưng tuy dẫu là chuột nhưng cũng có chuột này, chuột kia. Những con chuột “an phận thủ thường” thì kiếm những nơi dơ bẩn- nơi mà con người thường hay không đặt chân đến, để làm chỗ sinh sống và đảm bảo được sự an toàn cho chính mình, những con chuột ấy suốt đời sẽ chỉ có thể lắp đầy dạ dày của mình bằng những thứ mà con người hoặc những sinh vật khác thải ra. Nhưng con chuột chấp nhận đánh đổi sự khó khăn và nguy hiểm của bản thân, vượt qua giới hạn của sự an toàn để  tìm được nhà kho và rồi gạo là phần thưởng mà những con chuột ấy được nhận khi chấp nhận đánh đổi nhiều thứ để có thể đến được cái đích mà mình mong muốn. So sánh chính bản thân mình với loài chuột cho thấy Chung Ju Yung nhận định rất rõ về thân phận và giai cấp của chính mình vào thời điểm ấy.Nhưng thừa nhận địa vị xã hội của mình thấp kém không có nghĩa là chấp nhận bản thân mình thấp kém mà đó chính là động lực để cho ông còn quyết tâm vươn lên và vượt qua những khó khăn. Tuyên chiến với sự nghèo đói không bằng cách nào khác ngoài việc taọ động lực và hành động để tìm kiếm sự no đủ sung túc cho bản thân và cho những người thân trong gia đình.

Ba chuyến trốn nhà đầu tiên của ông để  đến những nơi mà ông xem là “ vùng đất hứa” ấy dù đã chấp nhận muôn ngàn khó khăn từ đói khát cho đến sự tủi nhục nhưng vẫn không thành công. Đến đây, khi chính bản thân ông đã có lúc nghĩ rằng thôi nên chấp nhận số phận mà trở thành người con có hiếu để đỡ đần cho cha mẹ và giúp đỡ các em, nhưng chính câu chuyện về con ếch và cành liễu đã khiến ông bừng tỉnh và kiên định hơn nữa để quay lại với những hoài bão lớn lao của chính mình.

Tôi nhớ câu chuyện về con ếch xanh mà tôi đã học ở tiểu học. Có một con ếch xanh muốn nhảy lên cành cây liễu, nhưng vì cành cây cao quá nên nó không chạm được và thất bại. Nhưng ếch xanh không nản chí, nó tiếp tục nhảy 10 lần, 20 lần, 30 lần… và cuối cùng cũng thành công. Con ếch còn thành công, mình là con người cơ mà?

Đã thất bại một lần rồi thì dù có thêm nhiều lần thất bại nữa cũng đâu có sao. Chúng ta đừng bao giờ sợ hãi trước những thất bại bởi có thất bại mới có thành công, thất bại chính là bài học của sự thành công và thành công chính là thành quả từ sự thất bại. Con người chúng ta thường chú ý nhiều hơn vào kết quả hơn là suy xét tỉ mỉ cả một quá trình để dẫn đến kết quả đó. Nên khi bạn thành công người ta sẽ quên đi rằng bạn đã từng thất bại như thế nào, lúc đó họ sẽ chỉ biết chú tâm tới sự thành công của bạn.

Sau một thời gian làm việc ở Seoul qua những biến động dữ dội của thời cuộc, công việc bán gạo đang suôn sẻ của Chung Ju Yung buộc phải dừng lại. Sau này nhờ vào sự giới thiệu của bạn bè và thông qua những mối quan hệ quen biết thời còn buôn bán gạo, ông vay được một số tiền lớn thêm vào vốn của mình và bạn bè để mở nhà máy sửa chữa ôtô Ando Service được chuyển nhượng lại để kinh doanh. Khó khăn từ đó cũng bắt đầu đến với ông. Nhà máy bốc cháy, trong đó có cả những chiếc xe của khách hàng đã sửa xong. Sau khi phải bồi thường cho khách hàng, nợ lại càng chồng chất. Chẳng còn con đường nào khác, ông lại tìm đến người trước đó đã cho ông vay tiền, nhưng không phải để trả nợ mà để vay thêm tiền.

Xây dựng  lại công xưởng nhưng Chung Ju Yung không có giấy phép xây dựng. Công văn bắt dỡ bỏ nhà máy của cảnh sát được gửi tới mỗi ngày. Với nguy cơ trắng tay lại đến rất gần. Nhưng từ bài học từ chính những con rệp nhỏ bé và khó chịu “vượt qua trở ngại là bát nước, toàn tâm toàn lực cố gắng và đạt được mục tiêu mình muốn”  đã trao cho ông sự quyết tâm để vượt qua những khó khăn. Sau cùng những rắt rối với cảnh sát được giải quyết bằng chính sự kiên trì không bỏ cuộc của ông. Công văn đòi dỡ bỏ được thu hồi và công việc kinh doanh của ông lại được tiếp tục.

Chính nỗ lực của chúng ta trong cuộc sống mới quyết định đến việc thành công hay thất bại mà thôi. Nỗ lực đó thể hiện ở chỗ gặp dịp tốt không bỏ lỡ và gặp lúc khó khăn không xem đó là rủi mà cố gắng vượt qua để tiến bước.

 Với tôi, mỗi khi gặp việc gì khó khăn tôi lại nhớ đến bài học về sự nỗ lực của con rệp. Nhìn thấy những người gặp khó khăn chẳng đáng là bao mà đã thất vọng và thu hẹp mình lại, chẳng hiểu sao tôi cứ nghĩ “người mà cũng không bằng con rệp”.

Trích: Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách

Bí quyết thành công đến từ sự từng trải

Thất bại không sinh ra để đánh gục bạn, nó sinh ra để khiến bạn mạnh mẽ hơn. Cả cuộc đời của người sáng lập tập đoàn Huyndai  là những chuỗi ngày chứng minh cho câu nói trên tiêu đề của cuốn sách  Không bao giờ là thất bại, tất cả đều là thử thách. Cuốn sách của Chung Ju Yung là bao hàm những bí quyết tạo nên sự thành công nhưng không dừng lại ở lý thuyết sáo rỗng và những lời nói suông, tất cả những đúc kết kinh nghiệm ấy đều đến từ sự từng trải chính bản thân ông-con người không biết đánh vần từ “ thất bại”, sinh ra trong nghèo khó nhưng biết nỗ lực và phấn đấu, ông thực sự là hiện thân cho tư duy vươn lên của phần đông xã hội. 

Sinh ra trong gia đình “ bần cố nông” lao động chính là thứ giúp ông và gia đình có được miếng ăn từng ngày. Chính từ trong những tháng ngày gian khổ đó đã giúp cho ông hiểu được giá trị của lao động và sự cần cù chính là bài học đầu tiên mà ông được dạy từ chính người cha của mình. Nhưng vùng quê nghèo ấy quá chật chội để thỏa hiệp với những hoài bão to lớn của chàng trai trẻ ấy, trong thâm tâm mình con người ấy thừa biết rằng để vươn đến những cái đích xa hơn thì sự cần cù trên một cánh đồng nào đó thôi là chưa đủ. Con người hơn con vật ở chỗ ý chí cầu tiến vươn lên, đi xa hơn để phóng tầm mắt ra những nơi mà ta chưa từng biết và chưa từng đặt chân đến.Nghĩ là làm, ông lên đường rời khỏi quê hương, rời xa một nơi mà mình đã từng thân thuộc. Vượt ra ranh giới của sự an toàn chính dấu hiệu đầu tiên của sự thành công sau này của ông.

Đến Seoul với hai bàn tay trắng điều gì khiến ông trở thành chủ cửa hàng gạo ở tuổi 22. Chính sự cần cù và nỗ lực trong công việc kèm theo thứ tài sản khởi nghiệp duy nhất là sự uy tín. “ Một lần bất tín, vạn lần bất tin”; “ nhất tín, nhì tiền” chính là những bài học đầu tiên về kinh doanh cho những ai có khao khát khởi nghiệp. Chính từ sự uy tín của mình, ông vay được vốn để mở công ty kinh doanh, công ty bị cháy cũng chính từ sự đáng tin cậy đó ông tiếp tục  được cho vay tiền để làm lại từ đầu và rồi thành công. Nhiều lúc đối diện với nguy cơ thua lỗ nhưng vì chữ tín ông vẫn tiếp tục xây dựng công trình đã được giao từ trước, qua đó cho thấy trong con mắt của nhiều người ông thực sự là người đàn ông đáng tin cậy đến mức độ nào.Trong kinh doanh bạn có thể thua lỗ mất tiền đó là chuyện bình thường nhưng nếu để mất chữ tín thì bạn có nguy cơ sẽ mất tất cả. Kinh doanh đôi khi là trò chơi của những con số nhưng đôi lúc nó chính là thướt đo của lòng tin.

Hoàn cảnh thuận lợi luôn chứa đựng những yếu tố nguy hiểm. Hoàn cảnh khó khăn luôn giúp ta vững vàng. Trong kinh doanh chấp nhận sự an toàn là chấp nhận sự thất bại. Hiểu được sức mạnh của sự mạo hiểm Chung Ju Yung đã nhiều lần đưa ra những phát kiến mới nhằm đưa tập đoàn phát triển như : xây dựng xưởng đóng tàu Ulsan, đấu thầu xây dựng những công trình ở nước ngoài đặc biệt trong đó có cả việc xây dựng cảng công nghiệp Dubai-  một trong những công trình lớn nhất thế kỉ 20, dù vấp phải nhiều ý kiến phản đối về tính bất khả thi của dự án, cũng như khó khăn về huy động vốn. Nhưng vượt qua tất cả những khó khăn đó, với sự kiên quyết, “ dám nghĩ, dám làm, dám hành động” cùng với tầm nhìn xa chiến lược của mình ông đưa doanh nghiệp của mình từng bước vượt qua nhưng cơn sóng lớn và rồi gặt hái được những thành tựu vang dội như ngày hôm nay. Sự mạo hiểm đôi khi khiến chúng ta thất bại, nhưng nếu không mạo hiểm chỉ vì sợ thất bại thì bạn sẽ còn mất nhiều thứ hơn là sự thất bại. Con tàu rất an toàn khi neo đậu tại cảng nhưng người ta đóng tàu không phải vì mục đích đó. Thất bại suy cho cùng là một phần của cuộc sống mà bạn bắt buộc phải nếm trải, đường đi càng dài , càng gian nan thì thất bại của bạn càng đáng giá.

Với tầm nhìn sâu rộng hướng đến sự phát triển tập đoàn trong tương lai lớn hơn hết là với quốc gia sau này một cách thật bền vững. Điều đầu tiên xuất hiện trong đầu ông là đảm bảo nguồn nhiên liệu để tạo đà phát triển trong tương lai. Việc khai thác Siberia của tập đoàn Huyndai xuất phát dựa trên ý nghĩ  sâu sắc của ông qua đó ông mong muốn Hàn Quốc của ông không chỉ dừng lại ở một quốc gia khởi nghiệp có tiềm năng mà trong tương lai có thể vươn lên trở thành một cường quốc về kinh tế- một trong những con Rồng kinh tế của châu Á.

Chính được xuất thân từ tầng lớp nông dân, mà trong con người ông có một sự đồng cảm giai cấp một cách sâu sắc. Ông hiểu được thế nào là nỗi mong ước có đất đai và nỗ lực đáng nể của người nông dân nghèo. Vì thế trên danh nghĩa là  người đứng đầu một tập đoàn lớn của quốc gia ông quyết định cùng Chính phủ thực hiện dự án khai hoang đất đai qua đó góp phần mở rộng lãnh thổ cho Đại Hàn Dân Quốc. Đất đai canh tác được mở rộng qua đó cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động nghèo ở Hàn Quốc, ước mơ của người cha quá cố đã được đích thân đứa con của người nông dân- Chung Ju Yung thực hiện.

Phần cuối cùng của quyển sách tác giả chia sẻ về đức tính tiết kiệm cũng góp phần tạo nên sự thành công của ông ngày hôm nay, ông chứng minh điều đó qua việc là ông không có thói quen hút thuốc bởi suy nghĩ rằng cơm còn chưa đủ no bụng thì tại sao lại phải biến tiền thành khói. Tiết kiệm là đức tính tốt khác hẳn với keo kiệt, tiết kiệm là sử dụng nguồn lực tự có một cách hợp lý và vào những việc chính đáng, qua đó hình thành được cho người có đức tính tiết kiệm một lối sống giản dị và trong sạch.

Cuối đời điều ông khao khát là thống nhất đất nước về kinh tế để thỏa nguyện mong ước của một dân tộc bị chia cắt vì chiến tranh,tư duy ông lúc nào cũng cố gắng làm việc nhều hơn nữa. Chưa bao giờ trong con người ông suy nghĩ đến chuyện nghĩ ngơi để tận hưởng những thành quả mà suốt cả một đời đã lao động vất vả để có được. Khi nhìn lại cả một con đường dài mà mình đã đi qua, ông chưa bao giờ xem những điều ấy là “ kì tích” cả. Ông chỉ tin vào sự nỗ lực làm việc và không biết mệt mỏi để tạo nên sự thành công mà ông đang có ngày hôm nay. 

Có lẽ đối với tác giả của cuốn tự truyện này là một những việc mà ông vẫn còn tiếp tục. Đó là gieo mầm về niềm tin vươn lên từ chính sự nỗ lực , không ngần ngại khó khăn cho thế hệ những con người trẻ sẽ gánh trên vai mình sứ mệnh to lớn để thay đổi bản thân, qua đó góp phần vào sự phát triển lớn mạnh của quốc gia trong tương lai. Và hy vọng trong những con người ấy sẽ có tôi và có cả bạn – những người may mắn khi được ông tạo cho một nguồn cảm hứng tuyệt vời.

Nguồn : reviewsach.net

Comments are closed.