[Review] Truyện Từng thề ước – Đã không giữ lời, sao còn thề hẹn

Đã lâu lắm rồi, kể từ sau phim Bộ bộ kinh tâm mới có 1 quyển truyện khiến tôi phải khóc nấc lên và cảm thấy đau ở lồng ngực như Từng thề ước. Ai nói rằng mối tình của Xi Vưu và A Hành khắc họa không khắc cốt ghi tâm bằng Dận Chân và Nhược Hy, ai nói rằng Xi Viu là dã thú nên yêu thì mãnh liệt và hận thì cũng tới xương tủy? Tôi bác bỏ hết ý kiến đó.

Tình yêu của Xi Vưu và A Hành cũng trải qua bể dâu, đắng cay, máu và nước mắt chẳng kém gì mối tình của Chân Hi, thậm chí khi cuối cùng Xi Vưu lấy tim mình để A Hành sống, một mình A Hành sống lay lắt dật dờ giữa rừng hoa đào tôi thấy còn bi thương thống khổ hơn rất nhiều. Dận Chân chỉ sống mấy chục năm là có thể theo Nhược Hi, nhưng A Hành thì bị dày vò và thương nhớ tới bao nhiêu nghìn năm sau? Từ đầu tới cuối tôi không thấy Xi Vưu hận A Hành tới mức điên cuồng mà thay vào đó là một tình yêu bao la bờ bến, có hận cũng chẳng thể hận nổi. Ngay cả lúc tưởng như Xi Vưu có thể giết chết A Hành vì nghĩ nàng phản bội lời thề, có con với Thiếu Hạo, Xi Vưu cũng chẳng thể ra tay và sau khhi cơn giận qua đi lại tới bên cạnh A Hành nói rằng tin nàng và nàng chắc chắn có nỗi khổ?

Dàn nhân vật phụ của Bộ Bộ kinh tâm khá xuất sắc. Tất cả các nhân vật như Thập Tam a ka, Thập tứ, Bát a ka, Minh Tuệ, Nhược Lan…đều có những câu chuyện, những cá tính và khí phách. Nhưng dàn nhân vật phụ ở Từng thề ước phải nói là xuất sắc hơn BBKT rất nhiều lần. Đọc BBKT tôi không hề rơi nước mắt vì nhân vật phụ, nhưng ở Từng thề ước nước mắt tôi rơi lã chã khi thấy Thanh Dương chết đi khi còn canh cánh nỗi lo lắng cho các em của mình, khi Xương Ý chấp nhận hi sinh, vứt Xương Phó lên tọa kỵ để bảo vệ tính mạng của nàng, để nàng còn sống và trở về với con. Khi Xương Phó tự khép lại hầm mộ của mình và chồng. Khi Luy Tổ đau đớn vì mất con trai, con dâu. Khi Nặc Nại âm thầm hi sinh vì Vân Tang và Vân Tang âm thầm đi theo bước chân Nặc Nại bấy lâu mà chàng không biết rồi bất lực hóa thành một cây lửa đỏ khi thấy Nặc Nại chết đi.

Thực ra, bản thân con người vốn dĩ rất cố chấp, biết rằng sẽ đau đớn, tổn thương nhưng vẫn không buôn tay, hiểu rằng nước mắt sẽ rơi, máu sẽ chảy nhưng không sao từ bỏ. Cũng biết, sẽ chẳng ý nghĩa gì, nếu mọi lời thề ước, chỉ đơn thuần là thề ước, nhưng vẫn một mực tin tưởng, một lòng một dạ chấp nhận không hề oán trách, hờn đau.

Đã không giữ lời, sao còn thề hẹn?

Từng thề ước là lời hẹn của Xi Vưu sẽ đợi A Hành dưới cội đào Cửu Lê mãi mãi, nàng thành ma hắn cũng sẽ thành ma. Là lời hẹn sẽ mang mẹ con nàng đi ngao du thiên hạ, Thần Nông tộc hay Hiên Viên tộc cũng sẽ bỏ lại đằng sau. Có lẽ Xi Vưu luôn là người giữ lời còn A Hành lại gần như không thể nào làm tròn lời thề hẹn ấy. Thế nhưng giữa hai người là những khát khao bá chủ, là âm mưu thôn tính Trung Nguyên của Hoàng Đế và Tuấn đế, là hàng trăm sinh mệnh của dân chúng trong chiến tranh. Trên vai A Hành nặng trĩu việc phải bảo vệ mẹ và anh em, là việc Xi Vưu gián tiếp hại chết anh trai Thanh Dương của nàng, là tham vọng tột đỉnh của cha ruột mình. Nàng không thể quay lưng với những người thân của mình, càng không thể quay lưng với Xi Vưu. Còn Xi Vưu, trên vai hắn là cái chết bi thảm của Du Vọng, là cả Thần nông tộc, là sự ủy nhiệm của Viêm Đế, là lời hẹn của hắn với A Hành.

Bao nhiêu đau đớn, bao nhiêu khắc khoải, bao nhiêu yêu thương. Tính ra mấy trăm năm kể từ lúc gặp nhau tới lúc Xi Vưu chết đi trên vai nàng, hai người có nổi 1 năm bên nhau trọn vẹn hay không? Có 1 đứa con gái là kết tinh của tình yêu nhưng Tiểu Yêu lại gọi cha mình là thúc thúc áo đỏ, Xi Vưu cũng chẳng kịp bồng con mình một ngày nào. Tôi thấy hâm mộ tình yêu của họ khi A Hành vừa bộn bề suy nghĩ vừa dùng phép phong bế Xi Vưu lại để  Tiêu Dao đưa chàng lên Bắc Minh dưỡng thương. Khi Xi Vưu tỉnh lại sau 1 năm ngủ mê man bất tỉnh, điều đầu tiên chàng hỏi Tiêu Dao bây giờ là lúc nào và cuống quít bắt Tiêu Dao đi hái một cành đào để xem đến ngày hội ở Cửu Lê hay chưa. Và Xi Vưu mình đầy  thương tích, bất chấp sự can ngăn củaTiêu Dao vẫn một mực bay về để kịp giữ lời hứa với A Hành.

Tôi thấy lòng mình đau như cắt khi  A Hành và Xi Vưu chỉ còn kịp là người yêu 1 đêm, điên cuồng một đêm để rồi sáng hôm sau là 2 thủ lĩnh của hai thế lực đối đấu, người này có thể giết chết người kia bất cứ lúc nào. Tôi thấy xót xa tới chảy nước mắt khi A Hành đem Tiểu Yêu tới gặp Xi Vưu để rồi trước khi chia tay,  ngồi trên tọa kỵ nàng thì thầm vào tai con “Tiểu Yêu, chào tạm biệt cha đi con”. Sao tình yêu của họ bi thương và đau đớn tới mức đó? Tôi khóc, khóc òa lên khi Xi Vưu giương cung lên, lấy trái tim mình là cung tên để cứu sống A Hành. Xi Vưu giữ lời hứa của mình, chấp niệm giữ tới mức tàn nhẫn. Hắn không thể sống bên nàng mãi mãi và dù A Hành có thành mà nhưng trái tim trong ngực nàng chính là trái tim của hắn, trái tim hắn đập bên cạnh nàng. Hắn không thể  đợi nàng dưới cội đào nhưng hắn đã hóa thành 1 rừng đào rực đỏ để nàng sống những ngày còn lại vẫn thấy bóng dáng của hắn.

A Hành còn sống nhưng nàng lang thang trong nỗi cô đơn dày vò, gào thét, khóc than mỗi độ xuân về, chỉ ước ao được nghe thấy tiếng tim chàng lần cuối…Vô vàn ngày dài đêm thâu, chỉ có hồi tưởng về chàng hết lần này sang lần khác mới có thể giúp A Hành kiên cường mà sống tiếp, nhưng ký ức càng rõ rệt thì nỗi nhớ càng hằn sâu vào trong xương tủy, đau đớn càng dày xéo con tim, hóa ra, bấy nhiêu lần ôm ấp triền miên, cuối cùng lại chỉ có thể sống chết đôi đàng ngóng vọng về nhau.

Nhiều trăm năm sau, khi cõng cái xác Xi Vưu đi giữa rừng đào ngàn dặm, A Hành vẫn luôn miệng hỏi hắn, nếu ngày đó họ lướt qua nhau, nếu ngày đó nàng không bướng bỉnh giữ chân hắn, nếu ngày đó họ không gặp lại… liệu bi kịch có xảy ra?

Tới lúc này, sống vật vờ như A Hành hay chết đi như Xi Vưu? Hình phạt nào khủng khiếp và tàn nhẫn hơn?

Cây chết mây còn còn quấn quýt, cây còn mây chết chẳng rời nhau….

Từng thề ước còn là lời thề của Thanh Dương nguyện bảo vệ mẹ, em trai và em gái mình. Trong mắt của mọi người, Thanh Dương là một con người tàn nhẫn với ánh mắt băng giá, trên người toát ra một khí chất trấn áp khiến ai ai cũng phải kiêng dè. Chàng ra sức học hỏi, luyện tập để bản thân ngày càng vững mạnh. Mọi người nhìn Thanh Dương với một nỗi sợ hãi ngầm, vừa sợ vừa đề phòng kể cả người bạn thân hiểu chàng nhất là Thiếu Hạo. Nhưng tất cả mọi người đều nhầm. Thanh Dương không thể xuống tay hại chết cha mình mặc dù chàng cũng hận ông ta ruồng rẫy mẹ con chàng tới tận tủy. Tới lúc này mọi người mới nhận ra hóa ra Thanh Dương gồng mình lên trở thành một con người lãnh cảm, vô tình và tàn nhẫn như thế cũng chỉ muốn mình trở thành một trụ cột, một lá chắn vững chắc để chở che và bảo vệ cho mẹ và các em của chàng mà thôi. Thiếu Hạo có thể vì giang sơn mà hi sinh tất cả, giết cha, giết anh em, giết chết tình yêu của mình nhưng Thanh Dương thì khác, chàng coi gia đình và tình cảm với những người xung quanh là trên hết.

Tôi thích sự quan tâm thầm lặng của Thanh Dương tới những người thân. Tới những trách nhiệm lớn lao mà một người anh trưởng như chàng phải gánh vác. A Hành và những người khác chẳng hề biết để có món dâu lạnh, Thanh Dương chẳng tiếc linh lực để làm phép tuyết rơi trên Triêu Vân điện. Để rồi khi Thanh Dương mất đi, vừa ăn dâu vừa thấm đẫm nước mắt, A Hành mới đau đớn nhận ra hóa ra mình quyến luyến đại ca tới như thế. Tôi cảm động khi thấy A Hành tỉnh lại sau 200 năm, Thanh Dương tuy không thể hiện sự vui mừng ra mặt nhưng tay chân chàng luống cuống không thể điều khiển nổi linh lực để làm tuyết rơi, mà lại thành mưa đá.

Tôi cũng buồn vô  hạn khi thấy Thanh Dương không thể cho Chu Du một lời thề ước, vì Thanh Dương nghĩ Chu Du chỉ là một khúc gỗ, không biết buồn biết vui. Vậy mà chỉ vì một câu nói bâng quơ trước lúc ra đi “Đợi ta trở về” chàng đã khiến Chu Du ngốc nghếch lại cả đời vô vọng ngóng chờ Đại điện hạ của mình trở về tới lúc chết đi hóa thành hoa phù dung bao quanh mộ của chàng.

Cuối cùng cũng chỉ còn một câu lưu truyền rằng thiên hạ song hùng, Bắc Thanh Dương, Nam Thiếu Hạo…

Từng thề ước còn là lời thề sống chết bên nhau của Xương Ý và Xương Phó. Của Xương Ý với toàn bộ tráng sĩ quân thần rằng mình sẽ không bao giờ hèn nhát bỏ chạy, bỏ rơi họ lại phía sau

Từng thề ước là lời thề của Thanh Dương và Xương Ý quyết tâm bảo vệ mẹ và em gái mình… Vậy mà cuối cùng người em gái mà họ yêu thương bảo bọc hết mức lại phải mặc áo giáp ra trận thay hai anh trai của mình. Xương Ý và Thanh Dương có xót xa và bi thương không khi lời thề của họ đành phải để em gái mà họ cố gắng cho nàng lánh xa mọi thị phi và đấu đá nhất thực hiện thay mình?

Từng thề ước có lời ước hẹn của 3 huynh đệ Viêm Đế, Luy Tổ và Vương Mẫu. Chia tay vào một ngày đầy bóng hoàng hôn trải dài, ngỡ rằng cuộc đời rộng dài như thế thảnh nào chả gặp lại nhau. Nào ngờ đâu, một khúc nhạc cả mấy ngàn năm sau mới thổi hết, một lời xin lỗi tới vạn năm mới có thể thốt ra.

Hóa ra vận mệnh có thể xoay vần, tàn nhẫn tới thế hay sao?

Hóa ra chiến tranh, chết trận, tham vọng bá chủ, xương máu con người, nước mất nhà tan có thể hủy diệt toàn bộ kể cả tình yêu, hạnh phúc, ước mơ của mọi người sao?

Nếu những nhân vật khác chiếm được cảm tình của tôi rất nhiều thì Hoàng Đế và Thiếu Hạo là hai nhân vật để lại cho tôi những suy nghĩ trái ngược. Tôi không thấy ghét mà trái lại còn thấy khâm phục Hoàng Để khi ông đa mưu, túc trí, ông biết dùng người và nghệ thuật đánh vào tâm lý con người của ông đạt đến đỉnh cao. Ông có tầm nhìn sâu rộng và của một bậc đế vương. Khi Hiên Viên đang toàn thắng, lẽ ra phải ăn mừng nhưng ngay lập tức ông đã nhận ra chân lý, chẳng một ai ngồi trên đỉnh cao ngai vàng được suốt đời. Chỉ có gắn kết được các nước mới có thể xưng bá và bình yên không chiến tranh. Vì thế ông đã sốt sắng cho Thanh Dương đi cầu hôn với Vương Cơ Thần Nông tộc. Hoàng Đế là một ông vua anh minh, ông đủ tàn nhẫn để dẫm đạp lên tình cảm của mình, ông đủ lạnh lùng để biết lợi dụng ngay cả con gái mình, ông đủ mưu mô thâm độc để lừa mọi người, ông đủ xảo quyệt để giành chiến thắng trong trận cuối cùng. Ông hơn Tuấn Đế và Viêm Đế cả một cái đầu chính vì  vậy ông thống nhất được Trung Nguyên. Nhưng cũng giống như Dận Chân, cuối cùng nỗi cô đơn trống trải  mênh mông đó ông sẽ phải ngấm đòn suốt cuộc đời còn lại.

Còn nhân vật tôi thất vọng nhất chính là Thiếu Hạo. Được mô tả với những ngôn từ đẹp đẽ nhất với áo trắng tung bay, khí chất phiêu dật, ngọc thụ lâm phong. Nhưng cuối cùng lại trở thành một nhân vật hèn nhát và nhạt nhòa nhất. Nghĩ về Thiếu Hạo tôi chỉ thấy sự thiếu tự tin, sự quay lưng lại với rất nhiều lời thề ước. Thiếu Hạo phản bội lại lời thề hứa thay Thanh Dương bảo vệ gia đình nhưng lúc A Hành chặt đứt ngón tay mình cầu xin hắn phái quân cứu viện Xương Ý và Xương Phó thì hắn lại ngoảnh mặt quay đi. Hắn hết lần này lần khác đẩy A Hành ra khỏi tay mình. Hắn giết anh em, giết cha, đạp hết lên tình bằng hữu để thực hiện ước muốn bảo vệ từng ngọn đèn của Cao Tân. Tuấn Đế có Cao Tân nhưng cái tên Thiếu Hạo rèn vũ khí, ủ rượu hoa, êm đềm như nước, vững chãi tựa non đã bị quên dần theo năm tháng, chỉ còn lại Tuấn ĐẾ cô đơn lạnh lẽo giữa Thừa Ân điện vì ngai vàng chật chội, chẳng đủ cho 2 người…

Bao nhiêu lời thề hẹn, bao nhiêu chờ mong? Cuối cùng ai là người có thể giữ trọn vẹn lời hứa, ai là người cả đời chờ đợi hay than khóc chờ mong?

Một lời thề ngày hôm nay được thốt ra, liệu ngày sau có còn giữ vẹn? Huống chi trăm năm, ngàn năm, lời thề hẹn nào còn tồn tại? Lời ước vọng nào bị năm tháng phủ mờ, vỡ tan? Tưởng trăm năm, ngàn năm là mãi mãi, nhưng rốt cuộc, sinh mệnh càng dài chỉ làm nỗi đau thêm dai dẳng…

Comments are closed.